Leonardo da Vinci là thiên tài vĩ đại của nhân loại, ông có sức sáng tạo phi thường và là người toàn năng trong tất cả các lĩnh vực. Vậy ông đã tư duy thế nào?
Thiên tài Leonardo da Vinci luôn mang bên mình một cuốn sổ tay vì ông ý tưởng có thể lóe lên mọi lúc mọi nơi, ông dùng chính thiên phú nghệ thuật của mình để ghi lại các ý tưởng.
Da Vinci để lại nhiều bản Codex trong suốt cuộc đời mình, một trong số đó đã được bán đấu giá và được Bill Gates mua lại, khiến nó trở thành cuốn sách đắt giá nhất thế giới với chỉ 72 trang ghi chép.
Là một nhà cải cách trong nhiều lĩnh vực như tư duy sáng tạo, học tập và phát triển khả năng lãnh đạo, chuyên gia Michael J. Gelb đã nghiên cứu chuyên sâu các bản phác thảo của những cuốn sổ tay mà Leonardo da Vinci để lại.
Từ đó cho phép ông viết nên cuốn sách “Tư duy như Leonardo da Vinci”. Cuốn sách này là kết quả hàng chục năm nghiên cứu con người thiên tài Leonardo da Vinci, cho phép chúng ta bước vào thế giới của danh họa.
Bên trong cuốn sách khái quát 7 nguyên tắc Leonardo da Vinci giúp bạn hiểu được cách mà ông đã tư duy sáng tạo. Cùng tìm hiểu 7 nguyên tắc đó nào:
1. Trí tò mò
Tất cả chúng ta đều sinh ra với trí tò mò bẩm sinh, nhưng không phải ai cũng tận dụng tối đa nó. Càng lớn chúng ta càng thận trọng hơn, trí tò mò càng hạn chế.
Điều này trẻ em phát triển tốt hơn, do đó trẻ em học nhanh. Chính trí tò mò đã giúp các trí tuệ vĩ đại đặt ra các câu hỏi đáng ngạc nhiên và tìm cách trả lời chúng.
Leonardo da Vinci tò mò với mọi thứ, ông là người muốn hiểu tất cả những điều xung quanh, do đó phát triển năng lực toàn diện trong mọi lĩnh vực.
Chúng ta thường biết tới ông như danh họa nổi tiếng nhưng thực ra ông là người toàn năng, nhà khoa học và nghệ thuật toàn diện. Ông đi đầu trong nhiều lĩnh vực và đạt đến mức độ uyên thâm, thông thái.
Sự tò mò khiến ông tìm hiểu kỹ lưỡng bản chất và không thỏa mãn trước những lời giải thích nông cạn.
2. Chứng minh
Nếu chỉ tò mò thôi chưa đủ, nó chỉ giúp bạn khao khát khám phá mọi thứ. Bạn cần phải hiểu rõ bản chất và tìm cách chứng minh nó.
Leonardo da Vinci tìm cách giải thích một vỏ sò trên đỉnh núi, giúp ông có các khái niệm về địa chất học, cách một con chim bay, giải phẫu cơ thể để hiểu rõ bên trong dù đó là hành động bị cấm.
Ông luôn muốn có câu trả lời cho những điều mình đã tò mò, tự tìm cách chứng minh bằng kinh nghiệm và thực tiễn.
Không phải lúc nào ông cũng tìm được câu trả lời, nhưng sự thất bại không khiến ông nản lòng mà chỉ giúp ông có thêm kinh nghiệm. Trong cuốn sổ tay của ông có dòng chữ:
“Tôi không rời khỏi luống cày của mình” hay “Trở ngại không thể khuất phục được tôi”.
3. Cảm xúc
Để thành công ngoài chỉ số IQ thì EQ mới là yếu tố đóng góp lớn cho sự thành công. Nguyên tắc này luôn được Leonardo da Vinci quan tâm hàng đầu.
Ông phát triển các giác quan tối đa, đặc biệt là thị giác. Ông xem đó là chìa khóa mở ra cánh cửa kho tàng tri thức vô tận.
Những phác thảo về chuyển động của nước, gió, hay chim bay được ông phác họa tài tình bằng mắt thường, điều mà chỉ có những máy quay kỹ thuật ngày nay mới có thể ghi được.
Ông cảm nhận âm nhạc thông qua màu sắc, phối hợp giác quan trong nấu ăn. Ông buồn rầu nhận thấy:
“Con người thường nhìn mà không thấy, di chuyển mà không nhận thức mình đang chuyển động, hít thở mà không biết được mùi, nói mà không suy nghĩ”.
4. Di mờ
Đó là khả năng chấp nhận sự mơ hồ, không chắc chắn, nghịch lý trước khi đạt được sự thấu hiểu. Nếu không thể vượt qua trở ngại thì thành công sẽ không tới với bạn.
Những điều ông trăn trở mà vẫn không thể tìm ra đáp án không làm ông nản lòng, suy nghĩ vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, kể cả những nghịch lý. Suy nghĩ ngược lẽ thông thường.
Thiên tài luôn biết vượt qua khó khăn trước mắt vì họ có tầm nhìn xa.
5. Nghệ thuật và khoa học
Khoa học chứng minh não bộ chia làm 2 phần riêng biệt đảm nhiệm những chức năng khác nhau. Bán cầu não trái thiên về tư duy logic, bán cầu não phải lại thiên về tư duy nghệ thuật.
Nếu phối hợp tốt 2 bán cầu não, chúng ta sẽ tăng sức sáng tạo lên nhiều lần, tư duy toàn diện này lại bị lối giáo dục truyền thống bỏ qua. Chúng ta phát triển 2 bán cầu não không cân bằng và bán cầu não phải bị xem nhẹ.
Trí tưởng tượng và sáng tạo của não bộ được Leonardo da Vinci phát triển hài hòa với tư duy logic khoa học. Điều này làm nên một thiên tài toàn năng, "người khổng lồ" thời Phục Hưng.
6. Rèn luyện cơ thể
Thật khó tin khi một thiên tài như ông lại sở hữu một cơ thể hài hòa cân đối và đẹp đẽ, những bước đi của ông khỏe mạnh và uyển chuyển.
Ông là tay bơi lội và cưỡi ngựa cừ khôi, ông có thể dùng tay uốn cong một thanh sắt. Sự khéo léo và uyển chuyển cũng được ông quan tâm, ông thường đi bộ trên các đỉnh đồi và suy nghĩ, đấu kiếm để luyện phản xạ và sự nhanh nhẹn.
Ông là người ăn chay và đưa ra rất nhiều lời khuyên về sức khỏe có giá trị, sự hài hòa còn thể hiện ở việc thuận cả 2 tay của ông.
“Một trí tuệ minh mẫn trong một thể xác tráng kiện” có lẽ phù hợp để mô tả về ông.
7. Kết nối
Đây có lẽ là điều tuyệt vời mà ông để lại cho nhân loại, sự kết nối thể hiện trong từng tác phẩm và phác thảo của ông. Chính phác thảo của ông là ngườn cảm hứng cho bản đồ tư duy của Tony Buzan.
Chính phong cách ghi chép này thể hiện sự kết nối mọi vấn đề một cách hữu cơ theo quan điểm duy vật biện chứng.
Sự kết nối tâm hồn và thể xác, khoa học và nghệ thuật,…ông nhìn sự việc trong mối quan hệ biện chứng, thống nhất chứ không riêng lẻ, độc lập. Sự kết nối tạo ra sức sáng tạo vô tận trong cuộc đời Leonardo da Vinci.
إرسال تعليق