Review sách 7 thói quen của người thành đạt – Stephen Covey



“7 thói quen của người thành đạt” (The 7 Habits of Highly Effective People) của Stephen Covey được xem là một trong những quyển sách phải đọc của nhiều người. Tuy nhiên, người duy nhất thành đạt sau khi bạn đọc cuốn sách này sẽ là… tác giả.
Và đọc những dòng dưới đây sẽ giúp tiết kiệm cho bạn 106.000 VND, cộng với không ít thời gian.
Tóm lại, tác giả khuyên thế này:
1. Luôn chủ động. Bạn không kiểm soát được những tác động bên ngoài đến mình, nhưng có thể tự quyết cách phản ứng với các tác động ấy. Đây là lời khuyên đúng, nhưng đã quá phổ biến, và tác giả thì hoàn toàn không đưa ra một phương cách nào để đạt được điều này. Các ví dụ toàn những câu chuyện thành công thần kì. Để hiểu sâu thói quen thứ nhất, chẳng thà đọc sách Phật còn hiệu quả và sâu sắc hơn vạn lần. Đánh giá chung chương này: Lời khuyên đúng, nhưng sẽ không thuyết phục đối với người không hiểu quan điểm này ngay từ đầu. Gợi ý thực hiện là có, nhưng không thực tế.
2. Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định. Sau khi đưa ra nhiều phương cách sống (trọng tâm gia đình, trọng tâm tiền bạc, trọng tâm công việc,…) thì tác giả đưa ra phương thức sống tốt nhất là trọng tâm nguyên tắc. Thật đáng thất vọng. Trọng tâm nguyên tắc là gì? Là sống theo các nguyên tắc đã đặt ra. Và bạn nghĩ một người yêu gia đình sẽ đặt ra những nguyên tắc gì? Việc liệt kê 10 cách sống sai lầm không mang tính logic, và bị cố tình làm rộng đến nỗi ai cũng thấy bản thân mình trong những nhóm được nêu. Sau đó là một phương pháp giải quyết chung chung nửa vời không hồi kết. Đánh giá chung chương này: Phân tích có vẻ logic, tuy nhiên cách sống theo “trọng tâm nguyên tắc” là cách sống ba phải, muốn hài lòng tất cả mọi người (một điều bất khả).
3. Ưu tiên cho điều quan trọng nhất. Ở đây nội dung chủ yếu là ma trận quản lí thời gian. Cái ma trận này được nghĩ ra từ hơn 300 năm trước, và Covey hoàn toàn không đóng góp được gì thêm. Thậm chí người ta còn gọi đây là Phương pháp Eisenhower do Tổng thống Eisenhower (1890 – 1969) dùng khá thường xuyên từ rất lâu trước khi quyển sách này ra đời. Bạn có thể biết được nội dung chương này bằng cách lên mạng và google 5 phút. Đánh giá chung chương này: Một đợt nhai lại ma trận quản lí thời gian không hơn không kém.
4. Tư duy cùng thắng. “Win-win” là một trong những cụm từ ai cũng nói nhưng không phải ai cũng làm. Các dẫn chứng thực tế của tác giả toàn là thành công thần kì (lại thần kì), hoàn toàn không có một hướng dẫn đáng giá nào để có thể áp dụng hiệu quả. Đánh giá chung chương này: Hoàn toàn sáo rỗng. Phương pháp thực hiện: Thay đổi chính mình và hi vọng người ta thay đổi theo.
5. Lắng nghe và thấu hiểu. Tương tự như trên. Và tác giả cũng không đưa ra cách để bạn có thể học cách lắng nghe hiệu quả. Xin lỗi. Đánh giá chung chương này: Như một lời khuyên cổ xưa: phải hiểu người đối diện. Ví dụ một lời khuyên: “Nếu đang phải thuyết phục một ai đó… hãy dựa trên cơ sở sự thấu hiểu.” Chính cái việc thấu hiểu mới là khó đấy Covey.
6. Đồng tâm hiệp lực. Nói chung là phải hết lòng vì việc chung và tin tưởng lẫn nhau. Lí thuyết và không có phương pháp. Nếu đồng nghiệp của tôi không chịu hợp lực thì sao? Không biết. Đánh giá chung chương này: Thử nghe một lời khuyên của Covey là đủ hiểu: “Khi có bất đồng… hãy cố hiểu mối quan tâm đằng sau lập trường của họ.” Như đã nói ở trên, thấu hiểu mới là việc khó. Nếu đã hiểu nhau rõ thì làm gì có bất đồng.
7. Rèn giũa bản thân. Thôi cái này cũng không có gì đáng nói.
Tóm lại, toàn bộ quyển sách là những lời khuyên nghe có vẻ hợp lí (vì nó đúng thật), nhưng khá là sáo. Các ví dụ khá “thần kì”, còn những nhân vật trong các ví dụ thì hành động theo cái cách mà ngoài đời thực không ai làm. Thật không may, quá trình học tập phát triển bản thân thật sự chẳng phải con đường hoa hồng. Có lẽ quyển sách sẽ hay hơn nhiều nếu Covey chịu khó mô tả chi tiết từng bước cách thức ông luyện tập và thực hiện 7 thói quen này, cũng như các bài học thất bại trong quá trình học tập của bản thân.
Hơn nữa, không có bằng chứng nào cho thấy sau khi làm được 7 thói quen này, bạn sẽ “thành đạt” hơn như từ mà dịch giả đã chọn, cũng như sống “hiệu quả” hơn như từ mà tác giả đã chọn. Reviewer là người lạc quan và rất hi vọng những gì tác giả nói là đúng, nhưng cần nhìn nhận một sự thật rằng, nhiều người theo tư tưởng “win-win” lại là những người chết đầu tiên.
Cảm giác sau khi đọc xong tựa như đang khóc vì đời stress thì Bụt hiện lên bảo: “Con hãy làm theo 7 thói quen này, con sẽ vui sống hơn.” Mình hỏi lại: “Vậy làm sao để con có thể làm được như thế hở Bụt?” Bụt bèn bảo: “Ta không biết. Chúc con may mắn. Ta đi đây!…”
PS: Có lẽ quyển sách sẽ hay khi chúng ta đọc nó vào những năm 1980 khi nó vừa ra đời. Thế nhưng, đến giờ thì các ý tưởng như thế này đầy rẫy, và cái chúng ta cần không còn là ý tưởng mà là phương thức. Thật khó hiểu làm thế nào các ý tưởng này lại có thể giúp Covey viết ra hàng chục đầu sách ăn theo.
Đó là chưa kể dịch giả đã cố gắng biến chữ “effective” (sống hiệu quả) thành “thành đạt” để bán như một cuốn sách dạy làm giàu. Ai đọc để thành đạt chắc sẽ hụt hẫng lắm.
                                                                                                        Nguồn Internet

Post a Comment

أحدث أقدم